VÌ SAO HÀNG GIẢ TUNG HOÀNH?

Nạn ăn cắp hình ảnh thương hiệu, nhái nhãn mác, sản phẩm bị làm giả.. là những nỗi “ám ảnh” dai dẳng mà nhiều DN đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng còn khá thờ ơ với việc tìm hiểu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ham đồ rẻ… đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn này..

 



Lợi nhuận “khủng”, phạt “nhẹ hều”

Theo thống kê của Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, có đến 90% hàng giả thông qua con đường buôn lậu nhập vào thị trường Việt Nam là đến từ Trung Quốc, nơi được xem là trung tâm sản xuất hàng giả, hàng nhái. Bởi vậy, cuộc chiến chống hàng giả ở Việt Nam cũng gắn liền với cuộc chiến chống buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu qua biên giới hiện nay gặp khá nhiều khó khăn bởi các đối tượng vi phạm cực kỳ tinh vi trong việc né tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

 

 

Hình ảnh minh họa

 

Trước hết, không thể phủ nhận được rằng việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã đem lại cho các đối tượng vi phạm những khoản lợi nhuận khổng lồ. Thậm chí, có người cho rằng buôn bán hàng giả còn “lãi hơn cả buôn ma túy”. Chính lợi nhuận khổng lồ mang lại bởi việc sản xuất, kinh doanh hàng giả mà càng ngày càng có nhiều đối tượng “dấn thân” vào con đường buôn lậu, trong khi các chế tài của luật pháp còn khá lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, còn mức phạt hiện nay nhiều chuyên gia là “quá nhẹ” và “chưa đủ tính răn đe”. Bên cạnh đó, đa số các vụ xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái đều là xử lý vi phạm hành chính với số tiền nộp phạt “chẳng thấm vào đâu” so với mức lợi nhuận khổng lồ mà chúng kiếm được. Tuy vẫn có một số vụ vi phạm được đưa ra xử lý hình sự nhưng rất ít và mức án cũng “nhẹ hều”.

 

Hàng thật chưa ra, hàng giả đã đầy

Có thể dùng từ “nhanh như vũ bão” để nói đến tốc độ phát triển của hàng giả hiện nay cũng không quá. Bởi lẽ, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi hơn, không chỉ về chiêu trò lách luật, tránh né sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng mà ngay cả công nghệ sản xuất hàng giả, hàng nhái cũng cực kỳ phát triển.

 

Hình ảnh minh họa

 

 

Một số sản phẩm có thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm công nghệ, khi thông tin về sản phẩm chỉ mới xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ ít lâu sau, khi sản phẩm còn chưa được chính thức bán ra, các sản phẩm hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện.Chính sự “nắm bắt thời cơ” và “nhanh nhạy” của các đối tượng sản xuất hàng giả đã khiến cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý không ít lần phải “hụt hơi”.

 

Trong khi một số doanh nghiệp đang đau đầu với các sản phẩm bị nhái, làm giả trên thị trường của mình thì cũng có không ít những doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến công tác chống giả, thậm chí che dấu thông tin về các sản phẩm bị làm giả của họ.Điều này đã gây khó khăn rất lớn đến công tác điều tra xử lý hàng giả của các cơ quan chức năng.Các doanh nghiệp này cho rằng người tiêu dùng sẽ e ngại sản phẩm của mình, thậm chí không mua sản phẩm vì sợ mua phải hàng giả. Tuy nhiên, điều này là vô cùng tai hại bởi người tiêu dùng có thể nhầm lẫn giữa hàng giả và hàng thật của doanh nghiệp và cho rằng sản phẩm của doanh nghiệp kém chất lượng.

 

Nguyễn Viết Hồng (TTK Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM)